Vietnam – Australia Insights (ACC Inhouse Reports)

Vietnam – Australia Insights (ACC Inhouse Reports)

BẢN TIN THỊ TRƯỜNG ÚC TUẦN TỪ 28/03 – 02/04

Tin tức Úc – Thế giới:

1. Trung Quốc “hắt hơi”, châu Á làm gì để không “cảm lạnh”?

Khi nền kinh tế thứ 2 thế giới giảm tốc, các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng phải tìm cách để giảm thiểu sự ảnh hưởng. Dưới đây là những cách mà các nhà xuất khẩu châu Á đang áp dụng, theo CNBC.

Đông Nam Á
Các nhà xuất khẩu hàng hóa lớn như Indonesia và Thái Lan đã bị ảnh hưởng nhiều bởi sự sụt giảm của giá khoáng sản, dầu dừa và cao su. Những mặt hàng này chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu của Indonesia, 10% kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan và là những mặt hàng chính được Trung Quốc nhập khẩu.

Indonesia và Thái Lan đang cố gắng chuyển đổi công năng của nguồn cung cấp dồi dào thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường bộ và đường sắt. Những thành công đã tới phần nào với 2 quốc gia này khi mua sắm nhà ở tại Indonesia đã tăng trưởng 4,9% trong quý IV/2015 và tính cả năm là 4,8%.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ của Singapore trong tháng 2 đã giảm 4,1% so với tháng 1. Tuy nhiên, con số này vẫn tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ năm 2015 và thấp hơn mức giảm 10,1% trong tháng 1.

Tuần trước, chính phủ Singapore đã công bố ngân sách cho năm tài chính 2016 là 53 tỷ USD, tăng 7,3% so với ngân sách năm trước nhờ có nhiều quỹ đứng ra hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các biện pháp giảm thuế thu nhập.

Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đa phần là nông sản và nguyên liệu khoáng sản, tương tự với trường hợp của Thái Lan. Đây là một bất lợi lớn đối với hàng hóa của Việt Nam, nhất là mặt hàng nông sản bởi sẽ khó để chuyển dịch thị trường. Do đó sẽ tác động tiêu cực tới ngành nông nghiệp và thu nhập của nhà nông.

Nhật Bản
Việc Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Nhật Bản không chỉ làm kinh tế nước này tăng trưởng âm 1,1% trong quý bốn năm 2015, mà còn làm xói mòn niềm tin vào Abenomics, chính sách kích thích kinh tế được khởi xướng bởi thủ tướng Shinzo Abe.

Những tín hiệu tích cực như gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cải cách khu vực doanh nghiệp cho thấy Nhật Bản đang đi đúng hướng nhưng cần có thời gian để những chính sách này đem lại kết quả.

Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi số du khách lên 40 triệu vào năm 2020 và 60 triệu vào năm 2030 để thúc đẩy nền kinh tế.

Hàn Quốc
Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Hàn Quốc, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Do lực cầu từ Trung Quốc giảm, hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm trong 14 tháng liên tiếp.

Để chặn đà lao dốc của xuất khẩu, Hàn Quốc đã ký một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 12 tới. Nước này cũng đang tìm kiếm những đối tác thương mại mới. Gần đây Seoul đã ký kết một thỏa thuận trị giá 5 tỷ euro với Iran.

Du lịch cũng là nhân tố đóng góp quan trọng cho kinh tế Hàn Quốc, khi số du khách Trung Quốc đến nước này đã tăng 5,7% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái.

Australia
Là nước xuất khẩu quặng sắt và than lớn, Australia đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi tác động kép từ hoạt động xây dựng suy giảm ở Trung Quốc và chiến dịch làm sạch môi trường của chính phủ nước này khi chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch.

Australia đang tìm cách thu hút đầu tư từ Mỹ và thúc đẩy khu vực dịch vụ trong nước để bù lại sự sụt giảm trong xuất khẩu sang Trung Quốc. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Trung Quốc cũng là nguồn du khách tiềm năng cho du lịch nước này.

Ngoài du lịch, đầu tư của Australia vào công nghệ tài chính và hạ tầng công nghệ cũng đã đem lại một số thành tựu nhất định.

2. Nông nghiệp Úc nóng lên vì tiền từ Trung Quốc

Tại lò mổ Bindaree Beef cách Sydney (Úc) một ngày lái xe về phía bắc, lợi ích của đầu tư từ Trung Quốc đem lại là rất rõ ràng. Với tiền từ việc bán cổ phần cho một hãng xử lý thịt Trung Quốc, Bindaree Beef có thể tăng gấp đôi lượng gia súc giết mổ hằng ngày lên 2.400 con, hay tương đương hai gia súc được giết mổ mỗi phút, kể cả ngày lẫn đêm.

Trong vòng 5 năm, nửa số thịt bò từ Bindaree có thể được bán ở Đại lục nhờ vào mạng lưới phân phối của đối tác mới, Giám đốc tài chính James Roger của Bindaree cho hay. “Họ có chuỗi cung ứng hoàn thiện. Chúng tôi có thể làm mọi việc nhanh chóng hơn với một đối tác Trung Quốc”, ông Roger nói.

Dù nhận được lợi ích như thế, nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm Úc đang phải đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội nhà đầu tư Trung Quốc. Bộ luật mới ban hành khiến các quỹ đầu tư nước ngoài khó tiến vào Úc hơn và hội đồng chỉ trích các khoản đầu tư giờ đây có những gương mặt là cựu tình báo. Ngay cả việc bơm vốn nước ngoài vào ngành công nghiệp thực phẩm địa phương ở Nga cũng dễ dàng hơn là ở Úc, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Cơ hội cho các hãng nông nghiệp Úc rất rõ ràng. Họ sản xuất đủ thực phẩm cho khoảng 60 triệu người, nhiều hơn dân số 24 triệu người của Úc. Nhu cầu thực phẩm ở Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc và là nơi có 1,4 tỉ dân, được cho là sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.

Dù vậy, Úc cần vốn ngoại để hưởng lợi tối đa. Để bắt kịp với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu, đến năm 2050 ngành nông nghiệp Úc cần thu hút thêm 360 tỉ đô la Úc (AUD), tương đương 274 tỷ USD, theo báo cáo của các nhà tư vấn tại hãng Port Jackson Partners.

Bindaree có trụ sở ở miền bắc New South Wales đồng ý bán 45% cổ phần cho công ty thực phẩm Sơn Đông Delisi (Shandong Delisi Food) của Trung Quốc với giá 140 triệu đô la Úc. Một khi thương vụ hoàn tất trong vài tháng tới, nhà sản xuất thịt bò Úc muốn mua công nghệ đóng băng mới và máy móc lóc xương, thiết bị hình ảnh phát hiện hàm lượng chất béo trong thịt bò băm nhỏ.

Năm ngoái, Ủy ban Đánh giá Đầu tư Nước ngoài của Úc tăng cường giám sát các thương vụ nông nghiệp liên quan đến bên mua Trung Quốc. Các thương vụ mua đất trị giá từ 15 triệu AUD trở lên và đầu tư nông nghiệp từ 55 triệu AUD trở lên giờ đây cần thông qua ý kiến chính phủ. Trong khi đó, nếu nhà đầu tư là người Mỹ, họ được phép chi tiêu 1,09 tỷ USD mua đất nông thôn hoặc kinh doanh nông nghiệp trước khi cần chính phủ Úc phê duyệt.

Không chỉ có Úc, nhiều nước khác cũng đang chứng kiến dòng vốn ồ ạt từ Đại lục. Doanh nghiệp Trung Quốc đã chi 120 tỷ USD vào việc đầu tư và tiếp quản doanh nghiệp ngoại trên thế giới trong năm 2015, tăng 58% so với một năm trước, theo số liệu từ hãng tin Bloomberg. Tốc độ chi tiêu đặc biệt tăng vọt ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ hay Malaysia.

3. Thị trường Úc thiết lập một ngưỡng thấp hơn

Thị trường Úc sẽ thiết lập một ngưỡng thấp hơn sau khi một hiệu suất phẳng trên phố Wall trong bối cảnh thương mại dịu, mặc dù một số nhà quản lý quỹ đang tìm mua cổ phiếu trước khi kết thúc vào cuối tháng Ba và cuối quý.

Vào lúc 6h45 ngày thứ Sáu, chỉ số giá cổ phiếu đã giảm 13 điểm ở mức 5053.

Trong các tin tức kinh tế địa phương hôm thứ sáu, Tập đoàn Công nghiệp Úc phát hành các chỉ số dữ liệu sản xuất (PMI) tháng ba và chỉ số giá trị RP RP Data Core Logic Home.

Chưa có tin tức thị trường chứng khoán lớn được mong đợi.

Tại Úc, thị trường hôm thứ Năm có phiên giao dịch tốt nhất trong bốn tuần, nhờ đồng USD yếu hơn mà dẫn đến một cuộc biểu tình trong ngành khai thác mỏ và ngân hàng cổ phiếu.

Chỉ số S&P/ASX200 tăng 72,5 điểm, tương đương 1,45 phần trăm, ở mức 5,082.8 điểm.

Chỉ số All Ordinaries đã tăng 70,3 điểm, tương đương 1,38 phần trăm, đạt mức 5,151.8 điểm.

B. Tin tức Úc – Việt Nam:
1. Úc bắt hai tàu Việt Nam chở hàng trăm kg hải sâm

Hai tàu cá Việt Nam đã bị giới chức Úc bắt giữ sau khi bị phát hiện chở một lượng lớn hải sâm, ở Great Barrier Reef Marine Park.

Hai tàu cá cùng với 28 ngư thuyền viên đã bị HMAS Childers và ABFC Roebuck Bay chặn lại tại rạn San hô Great Barrier,gần khu vực sông Lockhart, giữa eo biển Torres và Cooktown, Queensland. Lực lượng chức năng Úc đã sử dụng một máy bay để định vị các tàu trên trước khi tiếp cận chúng.

Thị trưởng Lockhart River Wayne Butcher cho biết: “Cape York là một khu vực biển giàu có nguồn thủy hải sản. Đây cũng là lần đầu tiên thấy tàu cá nước ngoài vào được khu vực này. Sự việc này báo động cho công tác an ninh bảo vệ ngành thủy sản”.

Ông Butcher còn nói cư dân Cape York đóng vai trò chính vào mạng lưới an ninh giám sát ven biển, nhưng sự xâm nhập gần đây đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả của việc bảo vệ biên giới trong khu vực.

Các tàu đánh cá này đã được lực lượng tuần duyên Úc đưa đến Cairns để chờ cơ quan Quản lý Ngư nghiệp Úc điều tra.

2. Kiều bào hiến kế để hàng Việt “sống khỏe” ở nước ngoài

Ông Henry Huỳnh, Chủ doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam vào Australia, mỗi năm ông nhập khẩu hàng chục triệu USD thủy sản của Việt Nam. Hiện công ty của ông Henry Huỳnh khá uy tín ở thị trường Australia với mặt hàng thủy sản, đặc biệt là sản phẩm tôm và cá basa của Việt Nam.

Sản phẩm của Việt Nam đang dần được “trả lại tên”

Sau nhiều năm nhập khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là tôm và cá basa, ông Henry Huỳnh chia sẻ, nếu so sánh về chất lượng cùng mặt hàng này của các nước khác thì chất lượng của Việt Nam tốt hơn hẳn.

“Con tôm của Việt Nam ăn cũng ngọt và chắc thịt hơn các loại tôm khác. Còn mặt hàng cá basa cũng là một lợi thế mà chỉ ở Việt Nam mới có. Đối tác của công ty tôi chủ yếu là các siêu thị, doanh nghiệp thủy sản của Australia, họ rất chuộng những sản phẩm này”- ông Henry Huỳnh nói.

Ông Hoàng Huy Khánh, chủ siêu thị Đà Lạt và Á Châu, chuyên đưa các loại hàng hóa của Việt Nam và Á châu vào thị trường Australia cho biết, trước kia, ông tiếp cận hàng hóa của Việt Nam nhưng lại nhập khẩu từ Thái Lan. Bởi người Thái họ nhập thô sản phẩm của Việt Nam và gia công, đóng gói và bao bì mang thương hiệu Thái Lan. Cho tới năm 1993, với chính sách mở cửa của Việt Nam thì một số sản phẩm của Việt Nam bắt đầu thâm nhập và thay thế cho nguồn hàng của Thái Lan ở thị trường Australia. Hiện nay, trong hệ thống siêu thị Đà Lạt và Á Châu, thực phẩm của Việt Nam đang dần thay thế nguồn thực phẩm của Thái Lan và được người tiêu dùng ở Australia khá ưa chuộng.

Hiện đang là chủ một chuỗi nhà hàng tại thành phố Melbourne, ông Lâm Hồng Huy cũng cho rằng, trước đây, những sản phẩm thô của Việt Nam như mắm, tiêu… được nhập qua Thái Lan. Sau khi chế biến, đóng gói thì lại được mang nhãn hiệu của Thái, Đài Loan (Trung Quốc) hoặc của Singapore. Vì thế để tránh được khi xuất khẩu ra nước ngoài phải mang nhãn hiệu nước khác thì ngay từ trong nước phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Việt Nam hiện có nhiều sản phẩn thô có chất lượng rất tốt, không thua kém hàng hóa nước ngoài, cần làm thế nào để hàng hóa của Việt Nam được mang đúng thương hiệu Việt Nam và xâm nhập tốt ở thị trường nước ngoài.

“Hiện nay Việt Nam cũng có nhiều sản phẩm sản xuất ở trong nước và đạt tới tiêu chuẩn không thua Thái Lan hay các nước khác, ví dụ như nước mắm, tiêu, hành, ớt, tỏi, mì… của Masan, hoặc là một số sản phẩm của Cholimex rất đạt tiêu chuẩn để xuất ra nước ngoài. Chính tôi cũng đã chủ động nhập tất cả các mặt hàng đó và mang đúng nhãn hiệu sản xuất từ Việt Nam một cách rất rõ ràng. Bây giờ đây thị trường nói chung không những ở Australia, Mỹ hoặc Âu Châu, thực phẩm Việt Nam đang dần dần lấn sân so với thực phẩm của Thái Lan”- ông Huy cho biết.

Doanh nhân Việt kiều: “Kênh” phân phối hàng Việt

Ông Henry Huỳnh cho rằng, về lĩnh vực thực phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam nên vươn dài tay, mở rộng thị trường quốc tế thay vì chỉ quan tâm tới thị trường nội địa. Nếu có sự kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước một cách chặt chẽ hơn nữa thì việc chiếm lĩnh và phát triển thị trường nước ngoài sẽ rất thuận lợi.

“Những người Việt ở nước ngoài am hiểu thị trường ở đây, họ thông hiểu luật pháp và tập tính tiêu dùng của người bản địa nên họ sẽ hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường nước ngoài. Đây cũng là những yếu tố khá cơ bản quyết định việc mở rộng ra thị trường nước ngoài thành công hay thất bại”- ông Henry Huỳnh nói.

Là một doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, Công ty sắt thép Chính Đại, nhà máy ở Hưng Yên cũng đang tìm hiểu, mở rộng thị trường sang Australia. Ông Đồng Văn Bột, Tổng Giám đốc Công ty sắt thép Chính Đại cũng cho rằng, với các doanh nhân Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài, thì việc tiếp cận, được sự hỗ trợ của các Hiệp hội, Doanh nghiệp, doanh nhân Việt kiều ở nước sở tại là một may mắn rất lớn. Sự hợp tác ấy giúp cho các công ty Việt Nam hiểu biết về thị trường, về nhu cầu và đặc tính của người dân. Đồng thời, các doanh nhân, Hiệp hội cũng giúp các doanh nghiệp trong nước nắm bắt tốt hơn luật pháp của nước sở tại, những quy định về thể chế của thị trường mà công ty quan tâm.

“Có được mối quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài cũng có lợi thế là bổ sung kinh nghiệm cho nhau ở nhiều lĩnh vực. Tôi cho rằng, đó là những yếu tố rất quan trọng tạo sự thành công trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tôi cũng mong muốn Hội doanh nhân gốc Việt có sự gắn kết, giúp đỡ những doanh nghiệp như chúng tôi để có thể vượt qua được những khó khăn thử thách trong việc tìm kiếm thị trường và thành công ở thị trường Australia”- ông Bột chia sẻ.

Để thâm nhập ra thị trường nước ngoài một cách hiệu quả, các doanh nghiệp của Việt Nam nên tìm hiểu một số vấn đề về thủ tục cũng như những luật cơ bản của nước sở tại. “Ví dụ như chúng ta muốn xuất một số mặt hàng về thực phẩm thì chúng ta nên tìm hiểu về luật thực phẩm của Australia, vì đây là nước rất khắt khe trong việc kiểm soát về thực phẩm trên thế giới. Khi đã am hiểu về vấn đề đó thì đưa hàng hóa sang Australia rất dễ”- ông Nguyễn Toản tư vấn.

Trong quá trình hội nhập, không riêng gì thị trường Australia, các thị trường khác cũng luôn tồn tại sự cạnh tranh. Để đặt chân vào thị trường mới, phải chấp nhận luật chơi. Muốn biết được luật chơi thì các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu về luật pháp, thị hiếu và những quy định của thị trường.

“Tôi cho rằng đó là những thử thách rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này thì phải có cả quá trình, đặc biệt là sự gắn kết giữa các doanh nhân trong nước và nước ngoài. Điều quan trọng nhất là chúng ta gắn kết được với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, từ thực tiễn kinh doanh là những điều quyết định đến sự thành công”- ông Bột chia sẻ./.


Tin liên quan khác