Phập phồng ‘nhìn’ nhân dân tệ xuống giá

Phập phồng ‘nhìn’ nhân dân tệ xuống giá

Thị trường ngoại tệ ngày 13.5 đã có những biến động khó lường xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc.

“Sóng” USD khi CNY mất giá mạnh

Thị trường USD ngày 13.5 khá sôi động với những đợt tăng – giảm giá khó lường. Là ngân hàng (NH) có lượng khách hàng xuất nhập khẩu lớn, Vietcombank đã liên tục điều chỉnh tăng giảm giá USD trong biên độ rộng, đây là điều hiếm khi diễn ra tại nhà băng này.

Cụ thể, sáng 13.5, Vietcombank giảm giá USD tới 25 đồng, giá mua còn 23.235 đồng, giá bán còn 23.355 đồng. Trong ngày, nhà băng này liên tục thay đổi. Đến cuối ngày, giá mua USD của Vietcombank tăng 45 đồng, lên 23.280 đồng, giá bán lên 23.400 đồng. NH Eximbank đã điều chỉnh bảng tỷ giá 19 lần trong hôm qua.

Chốt phiên, giá mỗi USD ở NH này tăng 60 đồng, giá mua lên 23.290 đồng, giá bán lên 23.390 đồng. Sau đà giảm giá cuối tuần qua, giá USD trên thị trường liên NH đã tăng trở lại 50 – 60 đồng/USD trong phiên giao dịch đầu tuần, lên 23.350 – 23.360 đồng/USD. Trong khi NH Nhà nước VN giảm tỷ giá trung tâm 10 đồng/USD còn 23.047 đồng/USD. Trên thị trường tự do, đồng bạc xanh tăng 15 đồng, giá mua lên 23.340 đồng, giá bán lên 23.360 đồng.

Thị trường ngoại tệ trong nước bị tác động tâm lý trước sự mất giá khá mạnh của nhân dân tệ (CNY) ngày 13.5. Trên thị trường quốc tế, CNY đã mất giá 0,8% so với USD, phải 6,881 CNY đổi được 1 USD thay vì 6,821 trước đó. Tuần trước, CNY đã mất giá 1,3% khi Mỹ chính thức tăng thuế 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế hàng hóa còn lại theo lộ trình. Phía Trung Quốc cho rằng sẽ “trả đũa” hành động này của Mỹ, nhưng vẫn chưa đưa ra biện pháp nào cụ thể khiến thị trường lo ngại Trung Quốc có thể sẽ dùng biện pháp phá giá CNY.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc khối kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn HSBC VN, nhận định: CNY trong những ngày vừa qua đã mất giá mạnh nhất trong 4 tháng trở lại đây, tương đương mức tăng gần 2% tính riêng từ đầu tháng 5.

Thị trường đang tìm kiếm các tài sản có tính trú ẩn như đồng yen Nhật hay đồng franc Thụy Sĩ nên giá đồng yen Nhật được đẩy lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua so với đồng bạc xanh. Thị trường trong nước không tránh khỏi những biến động mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay trước áp lực mất giá mạnh của đồng CNY.

Nguy cơ bị “vạ lây”

Đang chuyến công tác tại Thượng Hải (Trung Quốc), ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE), cho rằng Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc là khởi đầu cho cuộc chiến tranh thương mại tưởng rằng không xảy ra trong 1 năm qua.

Vì thế, một trong những biện pháp Trung Quốc chống lại tăng thuế của Mỹ, theo ông Hải có thể là phá giá CNY. Điều này xảy ra trong năm 2018, khi CNY mất giá gần 7% so với USD. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ đa dạng thị trường xuất khẩu sang các nước không sử dụng USD như Nga, các nước châu Á.

Ông Hải lo lắng, Trung Quốc đang đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu không bị phương Tây chi phối khi sử dụng nước thứ ba để cân bằng lại các giao dịch được xem là bất bình đẳng giữa CNY và USD.

Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường VN khi hàng hóa chất lượng trung bình và thấp sẽ đổ vào càng làm gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc.

“Thời gian tới, nếu CNY phá giá mạnh, VND giữ giá sẽ khó cho hàng hóa xuất khẩu và cả cạnh tranh hàng hóa trong nước với Trung Quốc. VN cần sử dụng những công cụ ngoại hối phái sinh để phòng vệ rủi ro đối với VND trong bối cảnh các nước thay đổi tỷ giá mạnh ảnh hưởng đến cán cân thương mại”, ông Hải nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn HĐQT NH TMCP Quốc dân (NCB), nhận định: “Trong trường hợp Trung Quốc phá giá CNY, có khả năng giá USD trong nước sẽ tăng. Bên cạnh việc hàng hóa Trung Quốc tràn vào VN thì các nhà máy từ nước này có thể chuyển dịch sang VN để xuất khẩu sang Mỹ với thuế suất thấp hơn. Điều này có lợi cho VN khi thu hút đầu tư tăng lên nhưng cũng là nguy cơ rủi ro khi Mỹ đã có cảnh báo tăng thuế đối với những nước hỗ trợ Trung Quốc “lách” việc tăng thuế của Mỹ”.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, xét chung kể từ đầu năm, tỷ giá trong nước mới chỉ tăng xấp xỉ 0,7% sau gần 4 tháng gần như neo chặt ở tỷ giá mua của NH Nhà nước. Cũng ở mức giá này NH Nhà nước ngay từ đầu năm đã chủ động mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối, đồng thời phát đi thông điệp về việc sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường, đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng. Do đó, việc tỷ giá biến động mạnh trong thời gian gần đây đi theo xu hướng chung theo những chuyển biến của thị trường thế giới, khi các chỉ số kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục được cải thiện theo hướng ổn định.


Tin liên quan khác