Đầu tư vào hàng hóa năm 2021 lợi nhuận vượt xa so với chứng khoán, USD và trái phiếu

Đầu tư vào hàng hóa năm 2021 lợi nhuận vượt xa so với chứng khoán, USD và trái phiếu

Đầu tư vào hàng hóa trong năm 2021 đem lại lợi nhuận vượt trội so với các tài sản khác do kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh sau giai đoạn đại dịch Covid-19 nghiêm trọng, thúc đẩy nhu cầu các mặt hàng tăng lên. Tuy nhiên, mặt hàng vàng đã bớt “sáng lấp lánh” do nhu cầu của nhà đầu tư chuyển hướng sang những tài sản rủi ro.

Chỉ số giá hàng hóa do S&P Goldman Sachs theo dõi (S&P Goldman Sachs Commodity Index – GSCITR) đã tăng 35% trong năm nay, lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ vượt qua mức tăng trưởng của chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500.

Nếu so sánh, trong năm 2021, chỉ số S&P 500 đã tăng 23%, chỉ số đô la Mỹ (Dollar index) tăng 7%, trong khi trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 3%.

Các nhà phân tích cho rằng, bước sang năm 2022, các mặt hàng thường hoạt động tốt vào cuối các chu kỳ kinh tế là do vẫn có khả năng cạnh tranh với thị trường chứng khoán khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu mở rộng.

Koen Straetmans, chiến lược gia đa tài sản cao cấp của NN Investment Partners – trụ sở ở Hà Lan, quản lý 298 tỷ euro (336 tỷ USD) tính đến cuối tháng 9, cho biết: “Chúng tôi thích cả cổ phiếu và hàng hóa, và chúng tôi có quan điểm đầu tư cân bằng cho cả hai vào năm 2022. Thật khó để nói cái nào sẽ hoạt động tốt hơn”.

Trong các mặt hàng, cà phê nổi bật nhất về mức độ tăng giá khi tăng 84%. Dầu thô cũng nằm trong top đầu những mặt hàng tăng giá năm nay, với mức tăng 40%; đồng cũng tăng 21%; trong khi vàng giảm 5% – một phần do dự đoán Mỹ sắp tăng lãi suất.

Vàng là trọng tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nói chung, và việc giá vàng giảm mạnh sau khi tăng 25% trong năm 2020 đã ảnh hưởng đến dòng tiền chảy vào các địa chỉ đầu tư. Dữ liệu của Morgan Stanley cho thấy các quỹ giao dịch hoán đổi hàng hóa của Mỹ (ETF) đã chứng kiến ​dòng tiền ròng chảy vào ra 5,5 tỷ USD trong năm nay sau khi dòng tiền ròng chảy vào năm 2020 lên tới 41 tỷ USD.

Các nhà phân tích nhận định, năm 2022, nước tiêu thụ hàng hóa hàng đầu thế giới – Trung Quốc sẽ tăng trưởng yếu đi, nhưng Chính phủ nước này có khả năng cân bằng cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản bằng các biện pháp kích thích vừa phải.

Khó khăn của năm 2022 chưa dừng lại ở đó bởi triển vọng kinh tế Mỹ cũng còn nhiều bấp bênh. Một số nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế số 1 thế giới sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm tới sau khi một nhà lập pháp quan trọng của đảng Dân chủ ‘giáng một đòn chí mạng’ vào Kế hoạch chi tiêu 1,75 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden, làm cho tương lai của nền kinh tế Mỹ hậu Covid trở nên thiếu chắc chắn trong bối cảnh virus biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng.

Goldman Sachs đã hạ dự báo về tăng trưởng GDP Mỹ năm 2022, cũng như Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, sau khi Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Manchin hôm Chủ nhật (19/12 tuyên bố ông không thể ủng hộ đề xuất đầy tham vọng “Xây dựng nước Mỹ trở lại hùng mạnh hơn” của ông Biden – nhằm mục tiêu mở rộng mạng lưới an toàn xã hội và giải quyết khí hậu thay đổi.

“Nếu BBB không trở thành luật, sự phục hồi kinh tế sẽ dễ bị đình trệ nếu chúng ta phải hứng chịu một làn sóng đại dịch nghiêm trọng khác; một kịch bản ngày càng có khả năng xảy ra khi Omicron đang lây lan nhanh chóng”, Zandi viết trên Twitter hôm thứ Hai (20/12), thêm rằng ông dự đoán tăng trưởng GDP sẽ thấp hơn nửa điểm phần trăm vào năm 2022 nếu dự luật nói trên không trở thành luật.

Năm tới, khi tình trạng gián đoạn hậu cần giảm bớt, nhu cầu hàng hóa toàn cầu sẽ tăng mạnh do các ngành sản xuất bắt kịp với việc tái cung ứng, trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu dự kiến sẽ dồi dào hơn.

Các nhà phân tích của ING cho biết trong một thông tin phát đi: “Cũng sẽ có một số sóng gió vĩ mô, điều này sẽ hạn chế khả năng tăng giá hơn nữa của tổng hợp các thị trường hàng hóa nói chung.

Mặc dù giá hàng hóa tăng chậm lại sẽ làm giảm lợi nhuận của nhà đầu tư hàng hóa, song các nhà hoạch định chính sách cũng như người tiêu dùng đều mong chờ điều đó. Dự báo lạm phát vào năm 2022 sẽ tiếp tục vượt quá các mục tiêu của ngân hàng trung ương, nhưng cuối cùng sẽ mờ dần như một mối lo ngại về kinh tế vĩ mô. Giá năng lượng có nhiều khả năng sẽ ổn định và giảm vào mùa xuân, nhờ nhu cầu năng lượng giảm bớt, sản lượng nhiên liệu tăng và có lẽ cũng là do nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Các vấn đề vận chuyển có thể mất nhiều thời gian hơn để giải quyết. Tuy nhiên, các gói kích thích đang bị thu hẹp dần trên khắp thế giới và hóa đơn năng lượng cao sẽ làm nhu cầu bớt nóng. Khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, nhiều công nhân có khả năng quay trở lại lực lượng lao động và chi tiêu có thể chuyển ngược sang dịch vụ, giúp giảm bớt tình trạng thiếu hàng hóa.


Tin liên quan khác