Vì sao người kinh doanh đổ xô vay đôla?

Vì sao người kinh doanh đổ xô vay đôla?

Tận dụng mức chênh lệch lớn giữa lãi suất VNĐ và USD, các doanh nghiệp xuất khẩu đổ xô vay ngoại tệ.

 

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong quý I-2018, tín dụng ước tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2017. Đáng chú ý, tín dụng VNĐ ước tăng 3,3%, chiếm 91,9% tổng tín dụng trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 5,4%, chiếm 8,1% tổng tín dụng.

 

Như vậy, trong ba tháng đầu năm nay, cho vay bằng ngoại tệ đã tăng nhanh gấp rưỡi so với cho vay bằng tiền đồng.

 

Xốc lại kinh doanh nhờ vốn giá rẻ

 

Hiện nay nhiều công ty xuất khẩu chuyển sang vay bằng ngoại tệ thay vì vay bằng tiền đồng. Bà Phương Hà, Tổng Giám đốc Công ty Mỹ Nghệ, cho biết: Với những ngân hàng mà công ty đã có mối quan hệ tín dụng lâu năm, được hưởng nhiều ưu đãi thì lãi suất vay ngắn hạn bằng tiền đồng cũng đã quanh mức 7%-8%/năm, thậm chí có thể lên tới 9%/năm đối với kỳ hạn dưới 12 tháng. Với kỳ hạn dài trên 12 tháng, lãi suất vay tiền đồng còn cao hơn nữa. Trong khi đó nếu đủ điều kiện để vay được bằng đồng đôla, lãi suất cho vay chỉ quanh mức 4%-5%/năm. Điều đó cũng có nghĩa nếu vay đôla thì áp lực đối với chi phí lãi vay đã giảm khoảng một nửa.

 

“Với nhà kinh doanh, mức lãi suất thấp hơn 1% cũng đã mừng lắm rồi, đằng này được hưởng chênh lệch lớn như vậy thì có ai không muốn vay USD! Khi chi phí lãi vay giảm, kéo theo chi phí đầu vào cũng giảm mạnh. Nhờ đó chúng tôi sẽ có cơ hội giảm giá thành cho khách hàng, thu hút thêm đơn hàng mới” – bà Phương Hà chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Văn Hiến, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, cho biết thêm: Thời gian qua, đối tượng được vay ngoại tệ để bán ra tiền đồng có nhu cầu vay vốn rất lớn. Với những công ty có nguồn thu từ ngoại tệ và cũng cần ngoại tệ để chi trả các nhà cung cấp trang thiết bị, nguyên vật liệu từ nước ngoài thì việc được vay bằng ngoại tệ giúp nhà kinh doanh vừa được hưởng ưu đãi về lãi suất lại không phải chịu khoản lỗ tỉ giá.

 

“Hơn nữa, trong các chi phí cấu thành đầu vào của một doanh nghiệp (DN) như chi phí nguyên vật liệu, nhân công, quản trị… thì chi phí vốn vay chiếm một phần không nhỏ. Chính vì vậy, khi chi phí lãi vay được tiết giảm đáng kể cũng đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào của DN được cơ cấu hợp lý hơn, nhiều cơ hội gia tăng lợi nhuận hơn” – ông Hiến phân tích.

 

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Huỳnh Trung Minh, phân tích: Với lãi suất vay bằng USD thấp hơn nhiều so với lãi suất vay bằng tiền đồng, trong khi chênh lệch biến động tỉ giá không đáng kể so với chênh lệch lãi suất thì DN nào không thích. Với sự chênh lệch lãi suất giữa USD và VNĐ, DN được vay ngoại tệ sẽ được hưởng lợi lớn hơn. Thực tế vay ngoại tệ với chi phí thấp không chỉ giúp DN giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm mà còn giúp DN tăng thêm sức cạnh tranh.

 

Họ có thể vay ngoại tệ với lãi suất thấp bán lấy tiền đồng để mua các nguyên liệu trong nước, sau đó xuất khẩu hàng hóa lấy ngoại tệ để trả nợ ngân hàng.

 

Nên có kịch bản phòng ngừa rủi ro

 

Đánh giá tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ so với tiền đồng trong thời gian qua, TS Huỳnh Trung Minh nhận định tín dụng ngoại tệ tăng phản ánh hoạt động sản xuất-kinh doanh xuất nhập khẩu của nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tốt. Bằng chứng là trong quý I vừa qua, nền kinh tế đã xuất siêu trở lại hơn 1 tỉ USD.

 

“Hơn nữa, tín dụng ngoại tệ là tín dụng có điều kiện, chỉ các đối tượng DN, các dự án sản xuất-kinh doanh xuất nhập khẩu có đủ điều kiện mới được tiếp cận nguồn vốn này. Do đó, việc tăng tín dụng ngoại tệ không ảnh hưởng đến thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng” – TS Huỳnh Trung Minh nói.

 

Ông Huỳnh Trung Minh cũng nhấn mạnh: Khoảng cách giữa lãi vay USD và VNĐ sẽ ngày càng thu hẹp do lãi suất cho vay bằng ngoại tệ đang có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân do chính sách tăng lãi suất của Mỹ và động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều nước trên thế giới. Do vậy, các nhà kinh doanh nên có phương án phòng ngừa rủi ro với các biến động này thông qua việc mua ngoại tệ theo hợp đồng giao sau (một hình thức bảo hiểm biến động tỉ giá).

 

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho biết các DN đủ điều kiện vay USD rõ ràng được hưởng nguồn lợi lớn khi mà chênh lệch lãi suất giữa USD và tiền đồng có thể lên tới 3%-4%/năm. Tuy nhiên, họ nên có kịch bản, kế hoạch phòng ngừa rủi ro trong trường hợp lãi suất cho vay bằng ngoại tệ tăng. Nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất USD thêm vài lần nữa trong năm nay, lãi suất USD theo đó có thể tăng thêm 1%-2%/năm.

 

“Nếu từ thời điểm DN bắt đầu ký hợp đồng tín dụng vay vốn đến thời điểm tất toán khoản vay ngoại tệ mà tỉ giá tăng thì cả lợi nhuận và chi phí cơ hội cũng sẽ giảm đi đáng kể. Trong trường hợp lãi suất đồng USD tăng, tỉ giá cũng tăng thì DN cần phải có kế hoạch để tính toán khi tất toán khoản vay cần phải bù trừ bao nhiêu cho ngân hàng” – ông Hiếu khuyến nghị.

 

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

 

Theo Thông tư 18/2017 của NHNN, chính sách cho vay ngoại tệ được thực hiện đến cuối năm 2018. NHNN lý giải trong lộ trình ổn định tỉ giá và chống đôla hóa, cơ quan này thực hiện nhiều giải pháp trong đó có định hướng chấm dứt quan hệ vay mượn ngoại tệ, chuyển sang quan hệ mua bán, hướng đến ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam. Tuy vậy, từ thực tiễn yêu cầu của DN, đặc biệt là hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, thời gian qua NHNN đã giãn thời hạn, tiếp tục mở cơ chế cho vay ngoại tệ ngắn hạn vì đây là nguồn cho vay có chi phí thấp hơn so với vay bằng VNĐ.

 

Tuy nhiên, định hướng chung và lâu dài vẫn tiếp tục hạn chế kênh tín dụng này, theo lộ trình từng bước chuyển quan hệ vay mượn sang mua bán.

 

Dự trữ ngoại hối lập kỷ lục mới

 

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4-5 vừa qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tạo kỷ lục mới. Cụ thể, dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam hiện đạt gần 63 tỉ USD.

 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết trong hơn hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua thêm tới 32 tỉ USD.


Tin liên quan khác