Tình trạng thiếu tàu chở hàng, thiếu container có thể kéo dài đến tháng 3.2021

Tình trạng thiếu tàu chở hàng, thiếu container có thể kéo dài đến tháng 3.2021

Báo cáo của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ dự báo, tình trạng thiếu tàu biển và thiếu container có thể kéo dài đến tháng 2-3.2021. Thậm chí dịch Covid-19 chưa được kiểm soát vẫn tiếp tục lây lan trên thế giới sẽ khiến tình trạng này kéo dài hơn. Do vậy, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khuyến cáo các doanh nghiệp thủy sản cần lên kế hoạch và kịch bản ứng phó nhằm hạn chế tối thiểu sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và giảm thiểu tối đa sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng phản ánh hàng đã sẵn sàng giao nhưng phải chờ hãng tàu thông báo tập kết mới được xuất đi, thời gian giao hàng bị chậm trung bình từ 7 – 20 ngày. Còn theo các doanh nghiệp xuất khẩu điều và chè, hoạt động xuất khẩu sang các thị trường chủ lực gặp khó khi cước phí tăng gấp 6-7 lần, từ 750 – 800 USD/container lên hơn 4.000 – 5.000 USD/container. Nhiều hãng tàu cũng thông báo cắt dịch vụ trên một số chặng và chưa có kế hoạch cho năm 2021.

Việc tăng cước thuê tàu và container không ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam áp dụng phương thức “bán FOB” nhưng việc hàng hóa phải lưu kho chờ xuất khẩu gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chi phí lưu kho lưu bãi bị đội lên ước tính từ 5 – 10% giá trị lô hàng. Còn với doanh nghiệp chọn phương thức “bán C&F” hoặc “bán CIF” thì phải trả thêm từ vài trăm đến hàng nghìn USD/container làm chi phí xuất khẩu gia tăng đột biến. Các khoản chi này không được dự tính trước sẽ làm cho doanh nghiệp bị thiệt hại, thua lỗ.

Trước đó, VASEP đã đưa ra dự báo lạc quan và hy vọng tăng trưởng xuất khẩu trong quý 4/2020 có thể đẩy tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước năm nay lên 8,6 tỉ USD. Nhưng việc thiếu container rỗng để đóng hàng, không có tàu chuyên chở… rất có thể ảnh hưởng tới nỗ lực tăng trưởng của ngành. Nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu không đạt được như dự báo do giá trị xuất khẩu trong tháng 11 – 12.2020 bị sụt giảm vì nhiều đơn hàng bị hủy hoặc hoãn.

Do tác động của dịch Covid-19, việc giãn cách xã hội khiến năng lực xử lý hàng của các cảng ở châu Âu và Bắc Mỹ sụt giảm dẫn đến các hãng tàu phải cắt giảm tuyến, gây thiếu hụt chuyến, chỗ chở hàng. Tác động của đại dịch cũng làm cho năng lực sản xuất của các khu vực như Mỹ La tinh, Đông Âu, Nam Á bị sụt giảm. Do vậy Mỹ và châu Âu tăng cường nhập khẩu từ khu vực Đông Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Việc phong tỏa tại các nước cũng dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực xử lý hàng hóa, do vậy container rỗng tồn đọng tại Bắc Mỹ và châu Âu nhưng lại thiếu hụt ở Trung Quốc và khu vực Đông Á, từ đó đẩy giá thuê container lên cao…


Tin liên quan khác