Thị trường cao su thế giới tổn thương nghiêm trọng vì Covid-19

Thị trường cao su thế giới tổn thương nghiêm trọng vì Covid-19

Giá cao su trên Sàn giao dịch Tokyo (TOCOM) – tham chiếu cho thị trường cao su toàn Châu Á – ngày 30/3/2020 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 11 năm do dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (Covid-19) lây lan mạnh mẽ trên toàn thế giới, làm gia tăng nỗi lo nhu cầu sẽ chậm lại, thúc đẩy làn sóng bán cao su diễn ra mạnh mẽ.

Trên sàn TOCOM, hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2020 giảm 5,4 JPY (3,6%) trong phiên vừa qua, xuống 144,2 JPY (1,3 USD)/kg vào lúc đóng cửa phiên 30/3, trong phiên có lúc xuống chỉ 143 JPY, thấp chưa từng có kể từ tháng 3/2009.

Trong vòng một tháng qua, giá cao su đã giảm khoảng 20%, còn so với cùng kỳ năm ngoái, giá hiện thấp hơn khoảng 25%.

Cùng chung xu hướng này, giá cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn Thượng Hải giảm 355 CNY xuống 9.475 CNY (1.336 USD)/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc chỉ 9.370 CNY, thấp nhất kể từ tháng 12/2018. Cao su kỳ hạn tháng 4 trên sàn Singapore giảm 2,1% xuống 104,74 US cent/kg.

Làn sóng bán tháo cao su xuất hiện sau khi hàng loạt nhà máy ô tô trên toàn thế giới buộc phải đóng cửa tạm dừng sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhu cầu lốp xe.

Giá dầu thô giảm mạnh, theo đó dầu Brent có lúc chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2002 do lo ngại nhu cầu dầu giảm sút do dịch bệnh, càng gây áp lực lên thị trường cao su.

“Do dịch bệnh chưa có dấu hiệu chấm dứt, giá cao su ở TOCOM có thể giảm xuống dưới 140 JPY”, nhà môi giới hàng hóa Toshitaka Tazawa của Fujitomi Co. nhận định.

Đến nay, trên 720.000 người khắp toàn cầu đã bị nhiễm virus corona, trong đó 33.000 người tử vong, theo thống kê của Reuters.

Tác động của Covid-19 đến thị trường cao su

Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho biết hiện còn quá sớm để đánh giá đầy đủ mức độ ảnh hưởng của Covid-19 đến triển vọng nhu cầu cao su toàn cầu. Theo tổ chức này, Covid-19 tác động đến ngành cao su ở 3 khía cạnh: (1) Ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất; (2) gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thị trường; và (3) tác động đến các doanh nghiệp, tài chính của các doanh nghiệp và thị trường tài chính, bởi việc xuất nhập khẩu bị trì hoãn làm giảm sút thanh khoản của các doanh nghiệp (theo đánh giá sơ bộ của UNCTAD (Hội nghị về thương mại và phát triển của Liên hợp quốc), sản xuất của Trung Quốc bị gián đoạn có thể dẫn đến giảm 50 tỷ USD xuất khẩu trong toàn chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu).

Các hãng ô tô đã phải tạm dừng sản xuất ở các nhà máy khắp Bắc Mỹ và Châu Âu do dịch bệnh nghiêm trọng chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.

Toyota Motor ngày 30/3 cho biết họ sẽ tạm dừng hoạt động toàn bộ các nhà máy của mình ở Châu Âu, ngoại trừ ở Nga, cho tới khi có thông báo tiếp theo. Renault cũng cho hay tất cả các nhà máy của hãng hiện đã ngừng hoạt động, ngoại trừ những nhà máy ở Trung Quốc và Hàn Quốc.

Việc các nhà máy ô tô tạm dừng sản xuất kéo theo hệ lụy là các nhà máy lốp xe cũng phải hành động tương tự.

Ngày 17/3, Goodyear đã đóng cửa các cơ sở sản xuất lốp xe ở Châu Âu và ngày 23/3 thông báo kế hoạch đóng cửa các cơ sở sản xuất lốp xe ở Bắc và Nam Mỹ. Michelin ngày 19/3 thông báo sẽ tạm thời đóng cửa các cơ sở sản xuất ở Châu Âu, 2 ngày sau đó tuyên bố sẽ ngừng sản xuất một thời gian ở Mỹ và Canada.

Bridgestone ngày 23/3 thông báo sẽ đóng cửa các cơ sở sản xuất ở Châu Âu, sau khi trước đó đã tạm dừng hoạt động ở các nhà máy tại Bắc Mỹ và Mỹ Latinh. Cũng trong ngày 23/3, Cooper Tyre – trụ sở ở Ohio – thông báo bắt đầu tạm dừng hoạt động ở hai nhà máy là Melksham (tại Anh) và Krusevac (tại Serbia), sau khi 2 ngày trước đó đã lên kế hoạch tạm dừng sản xuất tại các nhà máy ở Mỹ và Mexico.

Các hãng khác như Pirelli Tyre North America Inc., Apollo Tires Ltd., Gurgaon, Triangle Tyre… cũng đều đã và đang tạm dừng hoạt động tại các nhà máy sản xuất lốp xe ở Châu Mỹ và Châu Âu. Mặc dù thị trường Trung Quốc đã quay trở lại hoạt động, và dự kiến công suất sản xuất ở khu vực này đang tiến tới gần bằng mức bình thường, song tiêu thụ cao su toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do virus corona đã lây lan ra 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Tổng thư ký ANRPC, ông RB Premadasa, dự báo giá cao su sẽ khó có thể tăng trở lại trong một thời gian ngắn. Theo ông, thương mại cao su thế giới năm 2020 có khả năng tăng chỉ 1,2% lên 13.824 triệu tấn.

Năm 2019, kinh tế thế giới suy yếu, khủng hoảng của lĩnh vực ô tô, những bất ổn thương mại và các yếu tố địa chính trị khiến tiêu thụ cao su thế giới giảm 1% so với năm 2018 xuống 13,7 triệu tấn. Sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2019 đã giảm 0,7% xuống 13,8 triệu tấn, do một loại bệnh nấm ảnh hưởng đến năng suất của hơn 1,2 triệu acres cây cao su (1 acre – mẫu Anh bằng 4.047 m2).

Mặc dù tổng diện tích khai thác ở các quốc gia thành viên của ANRPC – chiếm 90% tổng sản lượng cao su toàn cầu – đã tăng 8,67.000 acre lên 23,5 triệu acre trong năm 2019, nhưng năng suất trung bình giảm 8%, xuống chỉ 1,12 tấn/acre. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu cao su của ngành lốp xe giảm mạnh thì ngành sản xuất các sản phẩm vệ sinh như găng tay đang hoạt động rất tốt.

Malaysia, nước sản xuất găng tay y tế lớn nhất thế giới, có kế hoạch năm nay sẽ cung cấp 225 tỷ chiếc găng tay cho 190 quốc gia, chiếm khoảng 65% nhu cầu của toàn thế giới.

Tuy nhiên, Hiệp hội Sản xuất Găng tay Cao su Malaysia (MARGMA) cảnh báo rằng lĩnh vực này cũng có thể khó đáp ứng nhu cầu của toàn thế giới do những hạn chế mà các nước áp đặt để hạn chế dịch Covid-19 lây lan. Hiệp hội cảnh báo thế giới có thể tiếp tục thiếu găng tay do nhu cầu từ các bệnh viện tăng rất mạnh, trong khi các hãng sản xuất găng tay gặp khó khăn về nhân lực và chi phí sản xuất cũng tăng mạnh.


Tin liên quan khác