Ngành điều nội chiến, phá giá

Ngành điều nội chiến, phá giá

Chiếm trên 60% thị phần toàn cầu, trong suốt 12 năm qua VN là “vua” trên thị trường điều nhân thế giới, nhưng Hiệp hội điều VN (VINACAS) cho biết khoảng 80% doanh nghiệp thua lỗ phải tạm ngưng hoạt động do giá điều xuất khẩu giảm.

Nói xấu, phá giá

Phó chủ tịch VINACAS Tạ Quang Huyên cho biết: Mục tiêu dự kiến năm 2018, xuất khẩu hạt điều đạt 3,7 tỉ USD, tăng 80 triệu USD so với năm 2017 và chiếm đến 65% thị phần điều nhân toàn cầu. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, lượng nguyên liệu trong nước và nhập khẩu đã được chế biến xuất khẩu gần hết. Muốn có nguyên liệu, VN phải nhập thêm khoảng 1 triệu tấn điều thô. Nhưng hiện nay giá điều xuất khẩu giảm mạnh nên có tới 70 – 80% doanh nghiệp (DN) chọn cách đóng cửa tạm ngưng sản xuất.

Vấn đề hiện nay là tâm lý hoảng loạn của nhiều doanh nghiệp. Chúng ta phải vượt qua tâm lý này bằng cách đoàn kết lại với nhau, cam kết không bán phá giá để từng bước ổn định sản xuất
Ông Trần Văn Hiệp, một thành viên của VINACAS

 

Ông Nguyễn Duy Tuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Long An, lý giải thêm rằng tình trạng DN ngành điều thua lỗ đã bắt đầu từ tháng 10.2017. Trên địa bàn tỉnh Long An, tùy theo quy mô các cơ sở nhỏ thua lỗ 3 – 5 tỉ đồng, DN lớn hơn một chút cũng lỗ cả chục tỉ đồng.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trên, theo Chủ tịch VINACAS Nguyễn Đức Thanh, là do các DN không đoàn kết. Nhiều DN, kể cả các “ông lớn” trong ngành nói xấu lẫn nhau, tạo ra kẽ hở để khách hàng lợi dụng ép giá. Hiện ngưỡng chịu đựng tối đa của ngành điều là 4,3 USD/pound (1 pound tương đương 0,453 kg – NV) nhưng vẫn có DN chấp nhận bán ra 4,2, thậm chí 4,15 USD/pound. Áp lực về quay vòng vốn, sự mất đoàn kết nội bộ dẫn tới tình trạng đua nhau bán phá giá khiến giá điều nhân xuất khẩu của VN đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Ông Tuân cho biết Ấn Độ là nước xuất khẩu điều lớn thứ hai thế giới, nhưng từ đầu năm đến nay họ xuất khẩu “không được” vì điều VN quá rẻ. Mới đây ngành điều Ấn Độ phải kêu gọi chính phủ nước này “giải cứu”. Việc bán phá giá còn ảnh hưởng đến cả các đối tác nhập khẩu. Nhiều khách hàng nhập khẩu ở Mỹ, EU cũng khốn khổ vì nhập hàng đợt sau giá thấp hơn đợt trước. Hàng đợt trước tồn chưa đẩy ra kịp phải giảm theo giá thành đợt sau.

Cuộc thanh lọc cần thiết

Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành điều những năm qua có thể thấy đây là kết quả tất yếu sau một quá trình tăng trưởng nóng. Cách đây khoảng 2 năm, khi ngành điều làm ăn thuận lợi đã xuất hiện trào lưu nhà nhà, người người “đi làm điều”, kể cả những đơn vị tay ngang không biết gì về ngành điều. Dẫn đến quá nhiều DN tham gia thị trường. Thế nhưng, thay vì liên kết để hợp lực, thì các DN ngành này lại “đạp” lên nhau để vượt qua khó khăn.

Theo một chuyên gia nông nghiệp, vấn đề của ngành điều hiện nay rất dễ dẫn đến tình trạng có thể bị DN nước ngoài lợi dụng để kiếm lợi. Ví dụ như ngành cá tra khoảng 1 năm trước. Khi các thị trường cao cấp như Nhật, Mỹ, EU dựng hàng loạt hàng rào kỹ thuật, các DN đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của sản phẩm cá tra VN, nhưng cũng là nhà xuất khẩu cá tra vào Mỹ với giá cao gấp đôi VN. Đây là lý do nhiều người đặt nghi án, Trung Quốc đang nhập cá tra giá rẻ từ VN rồi xuất qua Mỹ với giá gấp đôi kiếm lời.

Với câu chuyện ngành điều, đại diện một DN trong ngành khuyến cáo: Ở châu Âu, các kênh tiêu thụ lượng điều nhân giảm, nhưng hạt điều đã qua chế biến thành các sản phẩm bánh kẹo tăng. Nếu DN làm ăn nghiêm túc, bài bản, đảm bảo uy tín, chất lượng sẽ trụ được và vượt qua khó khăn. Nhiều DN điều cũng cho rằng con số 80% DN ngành điều đóng cửa ngưng hoạt dộng là điều đáng buồn, nhưng cũng là một cuộc thanh lọc cần thiết để loại bớt các DN chụp giật, lôm côm, cơ hội. Có như vậy những DN làm ăn chân chính mới có thể lớn mạnh.

“Vấn đề hiện nay là tâm lý hoảng loạn của nhiều DN. Chúng ta phải vượt qua tâm lý này bằng cách đoàn kết lại với nhau, cam kết không bán phá giá để từng bước ổn định sản xuất”, ông Trần Văn Hiệp, một thành viên của VINACAS, nêu ý kiến. Đồng quan điểm trên, ông Thanh kêu gọi các DN dừng nói xấu nhau. Xu hướng tăng trưởng của thị trường là có thật, chỉ cần

DN đoàn kết, giá điều sẽ tăng trở lại.

 

Báo cáo thường kỳ tháng 5 vừa qua của Bộ NN-PTNT cho biết giá hạt điều xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2018 đạt 10.011 USD/tấn (hơn 10 USD/kg), tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017. Giá điều bình quân 4 tháng đầu năm 2017 là 9.407 USD/tấn; bình quân năm 2017 đạt 9.926,3 USD/tấn. Như vậy, có một sự khác biệt khá lớn về diễn biến giá điều xuất khẩu giữa VINACAS và Bộ NN-PTNT. Giá của VINACAS chỉ khoảng 9 USD/kg. Tính tới hết tháng 5 đã xuất khẩu 141.000 tấn điều, kim ngạch 1,4 tỉ USD, tăng 21,4% về số lượng và 25,3% về trị giá.

Tin liên quan khác