Giá dầu thô lần đầu trong lịch sử về âm

Giá dầu thô lần đầu trong lịch sử về âm

Dầu thô WTI giao tháng 5 trên sàn New York đóng cửa tuần trước ở 18,27 USD nhưng chốt phiên thứ hai đã lao dốc về âm 37,63 USD một thùng.

“Vàng đen” lao dốc mạnh trong phiên 20/4 khi các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu của thị trường sẽ sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch. Ngoài ra, thời gian đáo hạn của hợp đồng tháng 5 tới gần cũng tác động mạnh đến giao dịch của nhà đầu tư.

Trong phiên, dầu thô WTI giao tháng 5 trên sàn New York liên tục lao dốc và chinh phục những mốc chưa từng có trong lịch sử. Thấp nhất, có lúc giá giảm về âm 40,32 USD. Chốt phiên, mỗi thùng dầu loại này chỉ còn âm 37,63 USD, đánh dấu biên độ giảm tồi tệ nhất trong một phiên giao dịch của giá dầu.

Diễn biến giá dầu WTI giao tháng 5 phiên hôm qua (20/4). Biểu đồ: Bloomberg
Diễn biến giá dầu WTI giao tháng 5 phiên hôm qua (20/4). Biểu đồ: Bloomberg

Nhưng không phải tất cả hợp đồng dầu đều về âm. Hợp đồng giao tháng 6 của dầu WTI giảm 10% xuống 22,54 USD, trong khi hợp đồng tháng 7 thấp hơn 5% so với tham chiếu, còn 28 USD. Trên sàn London, dầu Brent giao tháng 6 cũng giảm hơn 6% xuống 26,35 USD mỗi thùng.

Khi hợp đồng tương lai sắp đáo hạn, giá thường sẽ dịch chuyển về bằng giá bán dầu thực tế trên thị trường. Điều này khiến WTI giao tháng 5 liên tục mất giá trong những ngày cuối. Còn việc các hợp đồng giao tháng 6 và 7 vẫn neo ở mức cao hơn phần nào cho thấy một bộ phận nhà đầu tư tin rằng giá dầu khả năng phục hồi trong giai đoạn cuối năm.

Giá “vàng đen” chịu tác động mạnh khi nhu cầu sụt giảm do lệnh đóng cửa nền kinh tế. Theo giới phân tích, nhu cầu dầu từ các nhà máy lọc dầu và bể chứa tại Mỹ đang giảm mạnh khi các kho chứa này đã được lấp đầy.

“Có rất nhiều dầu thô nhưng các nhà máy lọc dầu không cần đến nó”, Helima Croft, chiến lược gia mảng hàng hóa tại RBC Capital, đánh giá. “Ngay lúc này, chúng tôi không thấy bất kỳ sự hỗ trợ ngắn hạn nào cho thị trường dầu. Chúng tôi thực sự lo ngại về triển vọng trong ngắn hạn”.

Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động kinh tế trên toàn cầu và làm giảm nhu cầu về dầu. Trong khi đó, thỏa thuận cắt giảm sản xuất của OPEC+ và các nước khác được đánh giá không đủ bù đắp nhu cầu nhiên liệu đang rơi tự do vì đại dịch.          

“Vấn đề thực sự của trạng thái mất cân đối cung cầu đã bắt đầu thể hiện ở giá”, Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu mảng thị trường dầu tại Rystad Energy, nhận xét. “Khi sản xuất tiếp tục được giữ như hiện nay, các kho chứa sẽ tiếp tục bị lấp đầy từng ngày”.

Minh Sơn (theo CNBC)


Tin liên quan khác